A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trao đổi văn hóa qua ẩm thực

Trong thời kì toàn cầu hóa hiện nay, các công dân thế giới có rất nhiều sự lựa chọn, đi đâu, làm gì, làm như thế nào. Chính vì vậy, mỗi quốc gia, lãnh thổ đều đang cố gắng nhấn mạnh vào cái hay cái đẹp của đất nước hay văn hóa của mình. Nếu như trong quá khứ người ta đã nghe nói đến ngoại giao cưới gả, ngoại giao bóng bàn, ngoại giao âm nhạc…thì nay cụm từ ngoại giao văn hóa ngày càng trở nên phổ biến có vị trí ngày càng cao. Trong ngoại giao văn hóa, người ta thấy phần đóng góp của ẩm thực ngày càng lớn.

 

Trao đổi văn hóa qua ẩm thực

 

Trong thời kì toàn cầu hóa hiện nay, các công dân thế giới có rất nhiều sự lựa chọn, đi đâu, làm gì, làm như thế nào. Chính vì vậy, mỗi quốc gia, lãnh thổ đều đang cố gắng nhấn mạnh vào cái hay cái đẹp của đất nước hay văn hóa của mình. Nếu như trong quá khứ người ta đã nghe nói đến ngoại giao cưới gả, ngoại giao bóng bàn, ngoại giao âm nhạc…thì nay cụm từ ngoại giao văn hóa ngày càng trở nên phổ biến có vị trí ngày càng cao. Trong ngoại giao văn hóa, người ta thấy phần đóng góp của ẩm thực ngày càng lớn.

 

            Thực vậy, nếu có một thứ ngôn ngữ nào đấy mà cả loài người đều hiểu được thì đó chỉ có thể là ẩm thực. Ẩm thực không cần thông ngôn và tự bản thân nó đã chứa đựng biết bao thông điệp hiển hiện. Ẩm thực  chứa đựng những thông tin về văn hóa, tập quán, thổ nhưỡng của mỗi vùng đất. Ẩm thực sử dụng cả các công cụ mỹ thuật trong đó để thông điệp ngoại giao trở nên mềm mại và hấp dẫn. Một đầu bếp hiện đại ngày nay không chỉ biểu diễn tay nghề nấu ăn điêu luyện của mình mà còn tự hào nói về ảnh hưởng từ  những dòng mỹ thuật khác nhau tới cách trang trí món ăn của mình. Thật dễ dàng có thể nhận thấy các lễ hội bia của Đức giờ trở nên ngày càng phổ biến trên khắp thế giới. Vào tháng mười, một du khách Đức sẽ không ngạc nhiên khi hôm trước vừa kỷ niệm lễ hội bia ở Bắc Kinh, hôm sau bay sang Séoul lại thấy người ta tưng bừng kỷ niệm lễ hội này. Những người yêu rượu vang Pháp cũng chẳng hề ngạc nhiên khi vào tuần lễ thứ ba của tháng 11 hàng năm, họ lại thấy khắp nơi những câu quảng cáo chào mời tới thưởng thức những chai rượu Beaujolais mới được nhập khẩu trực tiếp từ nước Pháp. Còn biết bao lễ hội ẩm thực khác dù chỉ được tổ chức trong khuôn khổ một quốc gia nhưng cũng là dịp để trao đổi văn hóa với du khách khắp nơi về một niềm tự hào của một vùng đất: chẳng hạn như lễ hội trà xanh ở Boseong (Hàn Quốc), gan ngỗng béo ở Carcasson (Pháp), Vani ở Papantla (Mê hi cô), lễ hội sa kê ở Hirosima (Nhật Bản), lễ hội cà chua ở Tây Ba Nha…

            Ở Việt Nam, tuy không có những lễ hội ẩm thực lớn chuyên về một loại sản phẩm nhưng có thể tự hào rằng những món ăn như Phở, Nem, Nước mắm đã trở thành biểu tượng của ẩm thực Việt Nam. Trong dịp liên hoan ẩm thực quốc tế Hương liệu lần thứ tư do khách sạn Métropole Hà Nội tổ chức, các đầu bếp và chuyên gia rượu vang quốc tế đến từ các châu lục khác nhau đều khẳng định đã nếm thử món ăn Việt Nam và họ rất thích. Cái độc đáo trong ẩm thực Việt Nam với họ chính là sự kết hợp tinh tế giữa các loại hương liệu và sự tươi mới của thực phẩm. Họ ngạc nhiên khi biết rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để trở thành một cường quốc gia vị với các loại sản phẩm quý hiếm chất lượng rất cao. Các du khách đến đồng bằng sông Cửu Long không thể quên được cảnh buôn bán tấp nập sầm uất trên bến dưới thuyền, đến Hà Nội họ thích thú với sự phong phú và độc đáo của chợ Âm phủ hay sự huyên náo của chợ đầu mối Long Biên. Họ say sưa với sự đầm ấm, rộn ràng của phiên chợ vùng cao. Trong tất cả các hoạt động ấy, ẩm thực mỗi vùng miền chính là những sứ giả đắc lực mang lại một cảm xúc đẹp về Việt Nam.

            Trên thế giới, hễ có dịp, mỗi dân tộc đều tự hào giới thiệu những phong tục ẩm thực đẹp của mình. Tổng thống Ukraina tự hào đãi khách bằng bánh mì và muối. Tổng thống Pháp tự hào với hàng trăm loại pho mát và rượu quý. Nhà ngoại giao Bắc Phi lại say sưa giới thiệu đặc sản coux-coux và gạo sơmul. Tất cả dường như đã được sắp đặt để các dân tộc đến gần nhau hơn. Festival ẩm thực, một hoạt động tưởng chừng như đơn giản nhưng đôi khi lại làm được nhiều hơn cả các hoạt động biểu diễn nghệ thuật rầm rộ. Ai có thể nói rằng, du khách quốc tế đến với festival Huế ấn tượng hơn với các chương trình nghệ thuật là ẩm thực Huế, ai khẳng định rằng các thực khách dự đại tiệc gala trong đại nội quan tâm tới pháo hoa và dàn cảnh hơn các đặc sản của Việt Nam. Với Festival hương liệu đã nói ở trên cũng vậy, chỉ trong bốn ngày, các đầu bếp quốc tế có thể biết về ẩm thực Việt Nam nhiều hơn cả chục năm ở nước ngoài. Chỉ trong bốn ngày, các thực khách và đầu bếp Việt đã được làm việc và tiếp xúc với các đầu bếp đại tài đến từ Marốc, Canada và Pháp, được tiếp cận với những xu hướng mới nhất của ẩm thực thế giới. Chỉ cần một chương trình được chuẩn bị chi tiết, một festival ẩm thực nhỏ đã làm cho cuộc đối thoại văn hóa giữa các quốc gia trở nên đầy thi vị và hấp dẫn.

           

           


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật